Thất lạc cõi người (tựa gốc là Nhân gian thất cách – tức Mất tư cách làm người) là một cuốn hồi ký do chính nhân vật trung tâm là Oba Yozo kể lại đầy đủ với ba phần: Thời Thơ ấu, Thời Thành niên và Những năm tháng cuối đời, tương ứng với ba quyển sổ ghi chép của mình. Trong câu chuyện ấy, Yozo hiện lên với một cuộc đời đầy hổ thẹn do “không dự tưởng được cuộc sống của một con người”. Từ lúc thơ bé cho đến lúc trở thành “phế nhân”, Yozo luôn mang trong mình nỗi bất an, sợ hãi con người và dần đánh mất niềm tin vào tất cả từ gia đình, đến tình nhân, bạn bè đều chỉ đem lại những vết thương không bao giờ lành. Yozo sống mà luôn nghĩ đến cái chết bởi thấy mình không sao hiểu được những nghi lễ, những con người hai mặt đang hiện diện trong nhân gian này – một cõi nhân gian A tỳ thảm khốc.

Yozo mang trong mình một sự xa lạ đầy “bị động”, suốt cả cuộc đời “chịu sự chi phối”, “xoay vần” của vũ trụ, của nhân gian. Dù đau khổ, thất vọng đến tận cùng, song Yozo chưa bao giờ muốn tách hay bị tách ra khỏi cái “cõi người” ấy. Trong Yozo luôn âm ỉ, hi vọng tìm được sợi dây gắn kết với thế giới, trái tim Yozo vẫn không ngừng mong đợi bắt nhịp được với những trái tim khác. Bởi thế nên khi bị nhân gian khước từ, phải sống một cuộc đời “sa đọa”, Yozo đã đau đớn, dằn vặt vô cùng.
Yozo xa lạ bởi anh cảm thấy mình không thuộc và không hiểu được cõi nhân gian bất khả lí giải kia, anh mang trong mình một nỗi đau, một sự
dằn vặt vì bị chính cái cõi nhân gian ấy đẩy ra ngoài lề, dẫu biết bao nhiêu lần Yozo đã mong muốn, khát khao hòa nhập để hiểu, chia sẻ và yêu thương cái cõi đời này nhưng chỉ nhận được sự chê trách, những ánh nhìn đầy khinh thị và sắc lạnh.
Thất lạc cõi người đã trở thành hai tác phẩm văn học hiện đại kinh điển của Nhật Bản, bởi sự phản chiếu chân thực nhất tâm thức của cả dân tộc Nhật Bản trong thời đại đau thương với cách diễn đạt hết sức tinh tế, sâu sắc cùng giọng điệu hài hước dí dỏm đến bất ngờ.