Các chính phủ có thể phát hành tiền của chính mình bằng cách in tiền hoặc tạo tiền điện tử. Vậy TẠI SAO NHÀ NƯỚC KHÔNG IN THẬT NHIỀU TIỀN để phát cho người dân hoặc để giải quyết các vấn đề tài chính của quốc gia?
Đầu tiên, bạn cần phải hiểu rõ, giá trị của tiền là để trao đổi hàng hóa và dịch vụ. Thế nhưng, việc in thêm tiền không giúp gia tăng sản xuất hàng hóa. Khi số lượng tiền trong nền kinh tế tăng, trong khi thực chất số lượng hàng hóa không gia tăng, vậy thì sẽ dẫn đến tình trạng tăng giá của hàng hóa.
Trong một thời gian nhất định, việc cần nhiều tiền hơn để mua cùng một lượng hàng hóa và dịch vụ, giá trị của đồng tiền giảm và chi phí sinh hoạt hằng ngày trở nên đắt đỏ hơn gọi là lạm phát. Nếu tình trạng lạm phát tăng cao, giá trị của đồng tiền ngày càng giảm, lòng tin của công chúng vào đồng tiền sụp đổ có thể dẫn đến siêu lạm phát.

Tỷ lệ để tình trạng siêu lạm phát xảy ra tại một quốc gia là tương đối hiếm nhưng hậu quả luôn cực kỳ nghiêm trọng. Một ví dụ điển hình là siêu lạm phát đã xảy ra tại Đức vào những năm 1920. Sau khi chiến tranh Thế giới thứ nhất kết thúc, để có thể trang trải các khoản nợ chiến tranh, bồi thường thiệt hại và duy trì dịch vụ công, chính phủ Đức đã cho in tiền ồ ạt. Việc sử dụng tiền in để mua ngoại tệ của chính phủ Đức đã gây ra sự sụp đổ về giá trị của đồng mark Đức. Đến năm 1922, nước Đức không thể trả các khoản bồi thường thiệt hại chiến tranh. Pháp và Bỉ chiếm giữ thung lũng Ruhr để ép Đức phải trả bằng hàng hóa thay vì tiền. Công nhân Đức tại Ruhr bãi công và chính phủ tiếp tục in thêm tiền để trả lương cho họ. Việc không ngừng in thêm tiền trong khi sản xuất hàng hóa không gia tăng khiến giá cả tại Đức bùng nổ, niềm tin vào đồng nội tệ của người dân Đức cũng biến mất. Siêu lạm phát bắt đầu và giá cả tăng nhanh hơn cả tốc độ người ta có thể chi tiêu. Năm 1922, một ổ bánh mì tại Đức có giá 163 mark, đến tháng 11 năm 1923, con số này đã tăng lên thành 200.000.000.000 (hai trăm tỷ) mark.
Lạm phát cao, niềm tin của người dân vào đồng nội tệ suy giảm, tình trạng nền kinh tế biến động theo chiều hướng xấu còn dẫn đến giá trị đồng nội tệ của nước đó sẽ giảm so với các đồng tiền của các quốc gia khác.
Như vậy, việc in thêm tiền không đồng nghĩa với sự thịnh vượng của một quốc gia mà ngược lại còn kéo theo rất nhiều rủi ro nghiêm trọng, vì vậy, hiện nay các quốc gia đều vô cùng thận trọng và (rất hiếm khi) in tiền mới.
(Trích How money works _ NXB Nhã Nam)
